Khu vực PSSA được một số quốc gia coi là tổng hợp của nhiều Công ước quốc tế về BVMT biển và là giải pháp mới để bảo vệ chủ quyền quốc gia dựa vào khoa học bảo vệ môi trường và sinh thái. Khu PSSA là vùng biển có giá trị đặc biệt về môi trường - sinh thái, kinh tế - văn hóa - xã hội và khoa học - giáo dục, có nguy cơ bị tổn thương do hoạt động hàng hải quốc tế.
Để có thể đề nghị một vùng biển là khu PSSA, cần phải xét đồng thời 3 yếu tố: Tính quan trọng của vùng biển về mặt môi trường tự nhiên; Mức độ ô nhiễm môi trường vùng biển do các hoạt động hàng hải, đặc biệt là hàng hải quốc tế; Các giải pháp liên quan để ngăn ngừa, giảm thiểu hay loại trừ các mối đe dọa đó. Khi được công nhận là khu PSSA, vùng biển đó sẽ được vẽ ranh giới cụ thể vùng PSSA trên bản đồ hàng hải thế giới, được xuất bản và công bố cho các quốc gia thành viên về việc hạn chế hay nghiêm cấm hàng hải bắt buộc đối với tàu thuyền qua vùng biển PSSA. PSSA giúp các quốc gia kiểm soát, hạn chế các loại tàu thuyền một cách hợp pháp và tuân thủ các Công ước quốc tế về hàng hải như Quy tắc phòng ngừa đâm va trên biển (COLREG), Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO). PSSA do IMO công nhận là vùng biển có giá trị cao với 17 tiêu chí về môi trường sinh thái, kinh tế - xã hội, khoa học và giáo dục, với chủ yếu là các KBT biển hay Khu đa dạng san hô. Tính đến năm 2017, có 17 Khu PSSA tại hầu hết các vùng biển trên thế giới và đã phát huy tác dụng bảo vệ đồng thời tài nguyên và chủ quyền lãnh thổ cho một số vùng đảo, quần đảo như Malpelo (Colômbia), Canary (Tây Ban Nha), Galapos (Ecuador), Hawaii (Mỹ)…. Có hàng loạt Khu PSSA liên quốc gia như Wadden Sea (Hà Lan, Đan Mạch, Đức); Eo Bonifacio (Italia, Pháp), ven biển Tây Âu, biển Baltic cũng tạo ra phương thức đồng kiểm soát quốc tế tài nguyên môi trường biển và tàu thuyền rất thành công. Lợi ích về an ninh biển và quản lý tài nguyên môi trường biển của các khu PSSA đã được công nhận, các tài nguyên thiên nhiên phát triển, nhiều vùng đã trở thành kỳ quan thiên nhiên thế giới.
Mô hình khu PSSA cũng đã tạo cơ hội mới và triển vọng thiết lập hệ thống các KBT biển liên quốc gia. Điển hình như khu PSSA liên quốc gia Wadden Sea, được hình thành năm 2002 của 3 quốc gia Đức - Đan Mạch - Hà Lan đã liên kết bảo vệ nhiều khu bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia và đến nay sau khi IMO công nhận là PSSA chung thì cũng đã được Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2009. Các tàu thuyền, đặc biệt đi qua lại vùng biển này đều phải có thông tin và báo cáo bắt buộc về các loại tàu thuyền, kể cả các tàu quân sự. Thực tế đã thiết lập được 5 khu PSSA liên quốc gia trên biển chiếm gần 1/3 số khu PSSA đang tồn tại trên thế giới.
Đề tài cũng đã phân tích các vấn đề chính sách liên quan đến PSSA của Việt Nam có trong các văn bản quan trọng như Luật Biển Việt Nam, Luật BVMT, Đa dạng sinh học, Bộ Luật hàng hải Việt Nam, Luật Thủy sản, Luật Tài nguyên môi trường biển, và có đề xuất kiến nghị rằng cần xem xét xây dựng hệ thống khu PSSA, nhằm tăng cường bảo vệ ĐDSH biển, tiến tới đề xuất thêm các vùng biển trở thành di sản thiên nhiên biển thế giới như Hoàng Sa, Trường Sa, vốn đã được đề xuất từ một số nghiên cứu quốc tế với vẻ đẹp sinh động của các rạn san hô biển độc đáo.
Kết quả đề tài đã xác định bộ tiêu chí quốc gia, phương pháp xác định, xây dựng hồ sơ PSSA cho vùng biển Việt Nam. Đề tài đã xác định được 23 vùng lõi gốc PSSA dựa trên các đặc trưng sinh thái biển nổi bật toàn cầu, và đã có đề xuất 5 khu vực PSSA cho các khu vực biển (Ven bờ Quảng Ninh-Hải Phòng, ven biển Trung Bộ, ven biển Nam Bộ, Quần đảo Trường Sa, Quần đảo Hoàng Sa). Đồng thời đã có dự thảo hồ sơ hoàn chỉnh khu vực PSSA số 1 của Việt Nam - khu vực ven bờ Quảng Ninh-Hải Phòng như.
Dư Văn Toán