Tham dự cuộc họp có các Vụ KHCN, Vụ KHTC, Cục Môi trường, Cục Thuỷ sản- Kiểm Ngư, Viện Nc Nuôi trồng Thuỷ Sản; Viện NC Hải sản. Trong buổi làm việc, Thứ trưởng đã nghe Viện báo cáo về hoạt đông khoa học công nghệ cũng như chỉ đạo một số định hướng phát triển nghiên cứu khoa học của Viện trong tương lai.
Nghiên cứu khoa học và công nghệ về môi trường, biển và hải đảo
Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo là đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), có chức năng nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, phát triển công nghệ về môi trường, biển và hải đảo phục vụ quản lý nhà nước về môi trường, biển và hải đảo; thực hiện các dịch vụ khoa học và công nghệ về môi trường, biển và hải đảo theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, Viện có trên 90 cán bộ, viên chức, người lao động, trong đó phần lớn có trình độ sau đại học. Với cơ cấu 7 đơn vị trực thuộc và định hướng là tổ chức chủ lực trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ về môi trường và biển, hải đảo. Trong giai đoạn 2020–2025, Viện đã triển khai 47 nhiệm vụ khoa học – công nghệ các cấp, trong đó nổi bật là các nghiên cứu:
- Xây dựng chính sách, pháp luật: tham gia soạn thảo Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; đề xuất các công cụ quản lý như bảo hiểm trách nhiệm môi trường, kiểm toán môi trường…
- Điều tra, đánh giá môi trường lưu vực sông, biển và vùng ven biển, nghiên cứu khả năng chịu tải môi trường, xác định vùng nhận chìm, khảo sát ô nhiễm tại các khu vực ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận, hỗ trợ quy hoạch nuôi trồng thủy sản và bảo vệ hệ sinh thái.
- Kiểm soát rác thải nhựa đại dương (bao gồm cả vi nhựa): xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; phát triển bộ chỉ số đánh giá ô nhiễm vi nhựa trong hệ sinh thái rừng ngập mặn.
- Ứng dụng kinh tế tuần hoàn: đề xuất mô hình “ngân hàng chất thải” và thị trường sản phẩm tái chế; xây dựng giải pháp tái sử dụng chất nạo vét cửa sông – biển.
- Thích ứng biến đổi khí hậu: đề xuất giải pháp quản lý tài nguyên theo tiếp cận hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học và giảm thiểu tác động từ xâm nhập mặn, nước biển dâng, v.v.

Viện trưởng Nguyễn Lê Tuấn báo cáo tại buổi làm việc
Hợp tác quốc tế mở rộng, hiệu quả
Viện đã thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều đối tác quốc tế như Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc, Úc, UNDP, UNEP … Hiện nay, Viện đang triển khai một số dự án hợp tác quốc tế:
- Phi dự án viện trợ thiết bị điều tra, khảo sát, phân tích rác thải nhựa từ Chính phủ Nhật Bản.
- Dự án do GEF tài trợ thông qua UNEP về giảm sử dụng và phát thải POPs trong ngành dệt may.
- Dự án khu vực “Chương trình hành động chiến lược cho Biển Đông và Vịnh Thái Lan” hiện đang trong quá trình hoàn thiện, phê duyệt văn kiện.
Định hướng nghiên cứu chiến lược giai đoạn 2025–2030
Viện xác định các hướng nghiên cứu đột phá phù hợp với Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cũng như xu thế phát triển của thế giới và các chiến lược quốc gia của Việt Nam như tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn:
- Phục vụ hoàn thiện pháp luật và thực thi chính sách: nghiên cứu tiêu chuẩn môi trường biển, điều phối liên ngành, thúc đẩy mô hình xanh và tuần hoàn.
- Nghiên cứu phục vụ triển khai quy hoạch không gian biển và vùng bờ: điều chỉnh quy hoạch phù hợp không gian biển quốc gia, phát triển năng lượng tái tạo và khai thác tài nguyên biển bền vững.
- Ứng dụng công nghệ hiện đại: phát triển hệ thống quan trắc môi trường thông minh, sử dụng công nghệ AI và dữ liệu lớn; nghiên cứu, phát triển các hệ thống hỗ trợ quản trị môi trường, biển và hải đảo thông minh, gắn với chuyển đổi số.
- Mô hình kinh tế tuần hoàn: thúc đẩy tái chế, tái sử dụng chất thải, phát triển công nghiệp tái chế chất thải nhựa, khai thác tài nguyên theo nguyên lý tuần hoàn, bền vững.
Tại buổi làm việc, Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo cũng đã kiến nghị đề xuất với Thứ trưởng Viện quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện để bố trí cơ sở vật chất cho Viện đảm bảo diện tích làm việc cho toàn đơn vị và có thể lắp đặt các trang, thiết bị được Nhật Bản viện trợ, để sớm đi vào vận hành, phát huy hiệu quả trong thực hiện những nhiệm vụ của Viện. Viện cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường quan tâm tạo điều kiện để tăng cường năng lực cho Viện, nhất là việc trao đổi, tiếp thu kinh nghiệm về các công nghệ mới; cho phép Viện tham gia trực tiếp vào các cuộc họp của Bộ để nắm bắt nhu cầu thực tế và mở rộng hợp tác quốc tế, nghiên cứu đa ngành với các viện, trường, địa phương.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến ghi nhận những kết quả mà Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo đã đạt được trong thời gian vừa qua và hy vọng trong giai đoạn tới, Viện tiếp tục phát huy, tăng cường trao đổi, liên kết với các tổ chức khoa học khác thực hiện đột phá về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp và Môi trường nói chung, các lĩnh vực môi trường – biển và hải đảo và thủy sản nói riêng.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thứ trưởng yêu cầu Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo phối hợp với các Viện Nghiên cứu Hải sản, Viện Nuôi trồng thủy sản I và các đơn vị liên quan khác nghiên cứu có sản phẩm quốc gia cho kinh tế biển. Đồng thời, sớm đưa vào vận hành thiết bị điều tra, khảo sát và phân tích rác thải nhựa đại dương bảo đảm hiệu quả.
Ngoài ra, Thứ trưởng yêu cầu sớm tổ chức hội thảo khoa học về nuôi trồng thủy sản gắn với khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, nhằm định hướng phát triển bền vững kinh tế biển.