Đảo xanh Nam Yết. Ảnh: Vietnam+
Sau những dịp khảo sát, nghiên cứu về tự nhiên, văn hóa và sự tác động của cuộc sống con người tới môi trường biển, tôi chợt nhận ra: Khi những tổn hại về môi trường của biển được khắc phục sẽ kéo theo các giá trị văn hóa, kinh tế phát triển, đồng thời phần nào khẳng định giá trị chủ quyền biển đảo. Đó là một trong những lý do đặt ra để con người phải bảo vệ và gìn giữ môi trường biển.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn các chiến sĩ Hải quân “Bờ biển của ta có vị trí quan trọng. Vì vậy nhiệm vụ của Hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề và rất vẻ vang”. Đó là kỳ vọng mà vị Lãnh tụ tối cao, Người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang trao gửi cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Trở lại thời điểm đó, những lời căn dặn của Bác xuất phát từ vị trí, vai trò của lực lượng Hải quân, đồng thời cũng từ tình cảm, tâm tư Bác dành cho cán bộ, chiến sĩ Hải quân vì phải chiến đấu gìn giữ, bảo vệ chủ quyền trong điều kiện nước ngọt khan hiếm, điều kiện sinh hoạt, ăn ở thiếu thốn, khó khăn và trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, hiểm nguy rình rập, người lính Hải quân có thể phải hy sinh tính mạng với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
Tôi đã không kìm được nước mắt khi chứng kiến tình cảm, cảm xúc của những cán bộ, chiến sĩ Trường Sa trong Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên biển. Đó là cảm xúc vô cùng thiêng liêng về tình yêu đất nước, biển đảo, về tình đồng chí, đồng đội. Tình yêu đó tạo thành sức mạnh không kẻ thù nào có thể lay chuyển được.
Người Việt Nam luôn mang trong mình tinh thần bảo vệ chủ quyền vững chắc của dân tộc, thể hiện ý chí và khát vọng bao đời nay trước kẻ thù xâm lược. Ý chí đó được hiện thực hóa, thấm vào con tim khối óc, vào da thịt, thường trực như hơi thở, như cơm ăn nước uống hàng ngày. Vì thế, dẫu có phải đánh đổi cả tính mạng, máu xương để gìn giữ chủ quyền, họ cũng sẵn sàng chấp nhận. Lịch sử đã ghi danh bao tấm gương ngã xuống để giữ biển, máu các chiến sĩ Hải quân hòa cùng nước biển mặn chát.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đã rất nhiều phen kẻ xâm lăng phải cuốn gói trước ý chí và sức mạnh Việt Nam. Chiến tranh có những ác liệt của chiến tranh, thời bình lại có những khó khăn riêng của thời bình, khi mà mưu mô xâm phạm chủ quyền của các thế lực nước ngoài ngày càng tăng và càng có nhiều thủ đoạn xảo quyệt. Cán bộ, chiến sĩ Hải quân cùng cảnh sát biển và các lực lượng chấp pháp trên biển quyết không hề run sợ, quyết không lùi bước; dũng cảm nhưng mưu trí để không rơi vào bẫy của kẻ thù, bằng phương pháp ngoại giao và đối thoại cùng những biện pháp kiên trì, mềm dẻo đã làm thất bại âm mưu thôn tính của địch.
Bên cạnh giá trị về lịch sử, một môi trường biển đảo an toàn, rõ ràng về chủ quyền đồng thời mang lại cho chúng ta giá trị về văn hóa, tâm linh mà chùa chính là nơi minh chứng và lưu giữ các giá trị ấy. Đến với những ngôi chùa ở đảo Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết, Phan Vinh, chúng tôi đều cảm nhận được sự thiêng liêng và tự hào của những người sống và công tác trên đảo. Qua bao thăng trầm lịch sử, qua bao năm chịu cảnh mất nước, chịu sự đồng hóa của kẻ xâm lược, những ngôi chùa Việt Nam vẫn đứng vững, trường tồn với thời gian. Trường tồn ở đây không chỉ đơn giản là tồn tại mà là sự trường tồn trong tâm thức, trong văn hóa của người Việt.
Quần đảo Trường Sa cũng là đất Việt, là quê hương của người Việt, vì vậy những ngôi chùa Việt là hồn Việt gửi vào rẻo đất Tổ quốc nơi xa xôi. Chùa trên đảo vừa là nơi sinh hoạt tôn giáo - tín ngưỡng truyền thống, sinh hoạt văn hóa của quân dân, vừa là những cột mốc tâm linh vững chắc, khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Những ngôi chùa ở Trường Sa nép mình bình yên bên tán bàng vuông, phong ba tạo nên một không gian thư thái yên bình trong một môi trường biển trong lành.
Khi nghe tiếng chuông chùa ngân lên, bất cứ chiến sĩ nào trên đảo cũng cảm thấy đất liền như đang thật gần, trái tim cũng ngân rung những nhịp sóng thân thương khi nghĩ về Tổ quốc, để tinh thần phấn chấn hơn, thấy trách nhiệm của mình to lớn hơn và dường như, có động lực nào đó đang khiến mình thêm mạnh mẽ trước phong ba bão táp.
Quyết tâm và sức mạnh giữ đảo không chỉ thể hiện ở sự phô trương về vũ khí, súng đạn như giải pháp mà một số nước đang áp dụng. Sức mạnh của Việt Nam tiềm ẩn ở giá trị lịch sử, chủ quyền, văn hóa và gìn giữ một môi trường xanh - đồng nghĩa với môi trường bình yên trên đảo. Đó là cách ứng xử tử tế nhất với môi trường nói chung và với môi trường biển đảo nói riêng.
Dưới tán bàng vuông. Ảnh: Lê Khanh
Có những việc làm rất đơn giản, rất bình thường, nhưng hiệu quả cao và có sức lan tỏa rộng, ví như việc những người lính, bà con trên đảo và ở đất liền đang dần làm đổi thay diện mạo của đảo bằng sự giữ gìn môi trường sạch đẹp, phủ màu xanh cho đảo để tạo nên “đường biên giới mềm” trên biển.
Đầu tiên là sự thay đổi rõ rệt gắn với cuộc sống sinh hoạt ở các vùng duyên hải, đảo gần bờ và các đảo xa. Trước đây, đặc điểm chung ở các làng đảo, xã đảo, huyện đảo là một dáng vẻ tạm bợ, nhà cửa không quy hoạch, rác thải ở lẫn với nhà dân. Không điện, không nước sạch, đường sá chỉ là đường mòn và không có các phương tiện giao thông cơ giới. Bà con đều làm nghề chài lưới với lối đánh bắt thô sơ. Với những đảo xa, cuộc sống của chiến sĩ trên đảo rất khó khăn, thiếu thốn lương thực thực phẩm, đặc biệt là thiếu rau xanh; trong điều kiện chỉ có người với trơ trọi đá và san hô, vắng bóng cây xanh nên càng nắng đảo càng nóng nực và cơ thể lúc nào cũng dấp dính muối…
Còn giờ đây, sau nhiều sự cố gắng của con người, một diện mạo chung đã đổi thay. Nhà cửa được xây kiên cố, quy hoạch lớp lang; đảo gần đảo xa được phủ một màu xanh mát; Sóng điện thoại đã ra đến Trường Sa Lớn, hầu như tất cả các đảo đã nối liên lạc được với đất liền. Cuộc sống của các chiến sĩ đảo cũng đã được nâng lên rõ rệt, chiến sĩ đã có tivi, truyền hình kỹ thuật số, có mạng internet… Những cánh thư từ đất liền cũng được chuyển tới đảo nhanh hơn. Đặc biệt, một sản phẩm “tối quan trọng” đối với các chiến sĩ đó là rau xanh. Rau từ đất liền gửi ra; rau do bàn tay của các chiến sĩ và người dân trên đảo dày công chăm bón, che chắn, giữ gìn. Chỉ có thể là con người mới gieo màu xanh kỳ diệu từ nơi gian khó ấy. Chỉ có tình yêu biển đảo đủ lớn mới có thể từng ngày từng giờ khoác cho đảo tấm áo màu xanh của thiên nhiên. Ở đây, chỉ có thể kết luận một điều rất giản đơn rằng: Con người có thể làm đổi thay môi trường biển, con người là yếu tố quan trọng và quyết định góp phần làm đổi thay môi trường biển.
Đảo xa là vậy, đảo gần cũng đã chuyển mình. Nhiều đảo ven bờ được đầu tư mạnh, trở thành những điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, người dân trên đảo từ chỗ đánh bắt vô tội vạ, giờ đánh bắt theo mùa vụ, có kế hoạch và xen giữa vụ đánh bắt là làm các dịch vụ du lịch. Du lịch sẽ cuốn theo sự quan tâm của khách nước ngoài tới Việt Nam, đòi hỏi những thay đổi tích cực về môi trường để giữ chân khách trở lại và lôi cuốn khách du lịch tiềm năng. Ở đây không chỉ có giá trị về mặt du lịch, mà du lịch sẽ giúp du khách nước ngoài hiểu sâu hơn về biển đảo Việt Nam, về chủ quyền biển đảo mà Việt Nam đã xác lập và đang quyết tâm gìn giữ. Tức là, các giá trị về du lịch, về môi trường biển xanh, về văn hóa sẽ bồi đắp giá trị chủ quyền, làm cơ sở để chúng ta khẳng định chủ quyền biển đảo trước bạn bè thế giới.
Mới hay, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ không chỉ là giữ vững được đường biên giới thực, “biên giới cứng” trên đất liền, trên biển, mà còn là sự toàn vẹn của “biên giới mềm” bao gồm nhiều giá trị như biên giới văn hóa, môi trường. Đường biên giới mềm là điều hết sức quan trọng trong một bối cảnh thế giới đang tập trung vào phát triển kinh tế và khẳng định sức mạnh từ các giá trị biển. Tuy nhiên, mọi giá trị sẽ chỉ là đứng sau nếu như không giải quyết được vấn đề vật cản hiện hữu trước mắt từ môi trường.
Trích nguồn: Đinh Thành Trung (Số 261 Thụy Khuê - quận Tây Hồ - Hà Nội)
- Báo điện tử của Bộ Tài nguyên & Môi trường (Ngày 27/7/2021)