Nhóm công tác của Cơ quan điều phối các biển Đông Á tổ chức cuộc họp lần thứ 4 về rác thải đại dương

Ngày 10/10, tại KS Fortuna Hà Nội đã diễn ra Cuộc họp lần thứ tư của nhóm công tác về rác thải biển (WGML) của Cơ quan điều phối các biển Đông Á (COBSEA), Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đồng chủ trì.

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đồng chủ trì cuộc họp

Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tuyến với sự tham dự của các quốc gia thành viên COBSEA và một số tổ chức quốc tế liên quan. 

Từ năm 2009, Việt Nam đã chủ trì tổ chức thành công Hội nghị liên Chính phủ COBSEA lần thứ 20 tại thành phố Hạ Long. Hội nghị liên Chính phủ Cơ quan Điều phối các Biển Đông Á COBSEA (IGM) được tổ chức luân phiên 02 năm một lần.

Năm 2021, Việt Nam là quốc gia luân phiên tổ chức Hội nghị liên Chính phủ Cơ quan Điều phối các Biển Đông Á lần thứ 25 (IGM 25). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Hội nghị IGM25 được các quốc gia thành viên COBSEA thống nhất tổ chức thành 2 phần. Phần 1, Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến. Phần 2, Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Việt Nam. Tháng 9 năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì tổ chức thành công Hội nghị liên Chính phủ Cơ quan Điều phối các Biển Đông Á lần thứ 25 Phần 1 theo hình thức trực tuyến (IGM 25.1). 

Tiếp nối thành công của Hội nghị IGM 25.1, để tiếp tục trao đổi những nội dung còn lại, các quốc gia thành viên COBSEA đã thống nhất tổ chức Hội nghị liên Chính phủ Cơ quan Điều phối các Biển Đông Á lần thứ 25 Phần 2 (IGM 25.2) vào ngày 12 và 13 tháng 10 năm 2022 tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết hợp với Cuộc họp lần thứ tư của Nhóm công tác về rác thải biển (Cuộc họp nhóm WGML) vào ngày 10 và 11 tháng 10 năm 2022 và các sự kiện bên lề.

Phát biểu khai mạc cuộc họp ngày 10/10, Ông Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo cho biết, Việt Nam là một trong các quốc gia tiên phong và tham gia ngay từ những ngày đầu hình thành và phát triển công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế về ô nhiễm nhựa. Là một quốc gia tiên phong trong khu vực về xử lý rác thải nhựa, lãnh đạo Đảng và Chính phủ Việt Nam đã quan tâm, nỗ lực và chỉ đạo quyết liệt nhằm xây dựng một công cụ pháp lý đồng bộ, hiêu quả. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có nền tảng khoa học kỹ thuật phát triển về quản lý ô nhiễm nhựa, bên cạnh cơ hội cùng các nước tham gia xây dựng công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa, bao gồm cả trong môi trường biển, thách thức của Việt Nam, Bộ TNMT và VASI là huy động đủ nguồn lực, đặc biệt là nâng cao năng lực cho cán bộ để có thể hiện thực hóa các chính sách đi vào cuộc sống.

Theo thống kê, rác thải tích tụ trong các đại dương có khoảng 70% đến 80% rác thải đến từ các hoạt động của con người trong đất liền và rác thải nhựa được ước tính chiếm 80%. Chỉ riêng tại sáu trong số mười quốc gia thành viên ASEAN, hơn 31 triệu tấn chất thải nhựa đã được tạo ra trong một năm. Trong khi nhiều quốc gia trong khu vực đang tham gia vào các nỗ lực quốc gia để chống lại rác thải nhựa, cùng với đó là hệ thống các sông, các đường bờ biển kết nối và hoạt động buôn bán quốc tế các sản phẩm nhựa và chất thải nhựa là mối đe dọa rất lớn về rác thải trên biển đối với toàn bộ khu vực. Sự gia tăng đột ngột về sản phẩm nhựa sử dụng một lần và thiết bị bảo vệ cá nhân trong cuộc khủng hoảng COVID-19 đã gây thêm căng thẳng cho các quốc gia đang nỗ lực để giải quyết các vấn đề về rác thải nhựa đại dương.

Nhận thức được tầm quan trọng và cấp bách trong khi giải quyết các vấn đề này, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng để giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. Bằng việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, chính phủ Việt Nam đã cam kết cắt giảm rác thải nhựa đại dương lần lượt là 50% vào năm 2025 và 75% vào năm 2030. Để đạt được các mục tiêu này, gần đây Chính phủ đã ban hành một số luật, thông tư và nghị định để giải quyết ô nhiễm nhựa. Gần đây nhất là Nghị định 8/2022 /NĐ-TTg liên quan đến việc thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển kinh tế tuần hoàn.

Về việc giám sát và đánh giá rác thải đại dương, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 28 /QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển đến năm 2030, trong đó bao gồm các hoạt động giám sát, đánh giá và đề xuất các giải pháp quản lý hiện trạng rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam. 

Cuộc họp tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của các quốc gia thành viên COBSEA và một số tổ chức quốc tế liên quan

Theo Ông Nguyễn Lê Tuấn, một trong những vấn đề khó khăn hiện nay của công tác điều tra, khảo sát, giám sát ô nhiễm rác thải đại dương là cơ sở khoa học, công nghệ, dữ liệu, thông tin về hiện trạng cũng như công cụ giám sát thường xuyên và hiệu quả ô nhiễm rác thải nhựa đại dương còn thiếu và hạn chế. Trong điều kiện hiện nay, do phạm vi giám sát và đánh giá quá rộng nên vẫn chưa có công cụ hữu hiệu nào được áp dụng để giải quyết vấn đề này và khó có thể sử dụng các phương pháp giám sát truyền thống để bao quát và thực hiện công việc thường xuyên.

“Điều chúng ta cần quan tâm là nguồn và loại rác thải ra biển, các điểm nóng về ô nhiễm nhựa, xác định được mục tiêu và biện pháp giảm thiểu, ngăn chặn. Do đó, chúng tôi kỳ vọng sự hợp tác chặt chẽ của các đối tác trong khu vực sẽ giúp Việt Nam được chia sẻ thông tin và các kinh nghiệm từ thực tiễn tốt nhất của các quốc gia trong khu vực về giám sát và đánh giá rác thải đại dương. Điều này cũng sẽ tạo cơ hội phát triển cho các thị trường tái chế và tái sử dụng nhựa trong khu vực nhằm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của nền kinh tế tuần hoàn” – Ông Nguyễn Lê Tuấn chia sẻ.

Kế hoạch Hành động Khu vực về rác thải đại dương đang mang đến nhiều cơ hội cho các Quốc gia Thành viên cùng xúc tiến, hợp tác và áp dụng các giải pháp lâu dài liên quan đến nhựa và quản lý rác thải đại dương. Các hành động này bao gồm việc hướng dẫn cho các quốc gia để loại bỏ sản phẩm nhựa sử dụng một lần, đảm bảo hài hòa giữa các chính sách khu vực về tái chế và tiêu chuẩn đóng gói bằng nhựa cũng như tăng cường đo lường và giám sát rác thải nhựa đại dương trong toàn khu vực. Các biện pháp phối hợp này là nên tảng và sẽ nâng cao nhận thức khu vực về đổi mới, đầu tư và đào tạo.

Tại cuộc họp, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cùng với các đối tác, các nước thành viên tham cùng thảo luận các chiến lược để huy động sự tham gia của các quốc gia trong việc giải quyết ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương, trong đó tập trung vào 4 nhóm nội dung: Cập nhật, chia sẻ kiến thức từ các đối tác, các hoạt động khu vực và tiến trình toàn cầu về rác thải nhựa đại dương, đồng thời thảo luận nội dung thành lập Ủy ban đàm phán liên chính phủ về một công cụ quốc tế về ô nhiễm nhựa; Nhóm chuyên gia về Giám sát của WGML cập nhật, chuẩn bị cho đánh giá về hiện trạng, xu hướng rác thải nhựa đại dương, thảo luận các bước tiếp theo cùng các ưu tiên để tăng cường giám sát, đánh giá; Lập kế hoạch và báo cáo việc thực hiện Kế hoạch hành động khu vực về rác thải nhựa đại dương; Cập nhật, chia sẻ về nền tảng kỹ thuật số toàn cầu của GPML, nền tảng web toàn cầu, mạng lưới nghiên cứu của Nút khu vực Biển Đông Á (EAS Regional Node) trong khuôn khổ Quan hệ đối tác toàn cầu về rác thải đại dương (GPML), thảo luận thủ tục đăng cai cuộc họp kế tiếp và các bước tiếp theo để phát triển.

Theo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, trong bối cảnh và tình hình hiện nay, việc tổ chức và tham dự Hội nghị IGM25 tới đây là một hoạt động có ý nghĩa, thể hiện sự tích cực, trách nhiệm của Việt Nam trong việc phát triển bền vững và bảo vệ môi trường biển và các vùng ven biển của khu vực; qua đó góp phần giảm thiểu rác thải nhựa đại dương cũng như thúc đẩy các cam kết và triển khai hiệu quả kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Với tư cách là chủ nhà IGM25, Phần thứ hai của Hội nghị được Việt Nam tổ chức trực tiếp năm 2022 nhằm tiếp tục thảo luận dựa trên những kết quả tích cực trong việc áp dụng các định hướng chiến lược được thảo luận tại Phần thứ nhất năm của năm 2021.

Với những nỗ lực và quyết tâm trong việc chủ động chuẩn bị và tích cực tham gia xây dựng Công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa, bao gồm cả trong môi trường biển, tại cuộc họp này, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cùng các đối tác bày tỏ mong muốn và hi vọng có thể mang lại sự thay đổi tốt hơn nhằm giảm thiểu ô nhiễm nhựa ở Việt Nam cũng như trong toàn khu vực.

Một số hình ảnh tại cuộc họp:

 

Nguồn: http://vasi.gov.vn/pages/nhom-cong-tac-cua-co-quan-dieu-phoi-cac-bien-dong--f198.aspx

  • 10/12/2022 7:20:09 AM