Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đọan 2016-2020

Ngày 11/8/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản số 4944/BTNMT-TCBHĐVN công bố Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 là báo cáo đầu tiên về hiện trạng môi trường biển quốc gia, được xây dựng sau khi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 có hiệu lực thi hành.

Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 thực hiện theo quy định tại Điều 51 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015, xác định và làm rõ các áp lực của phát triển kinh tế - xã hội đến tài nguyên và môi trường biển. Báo cáo đã đánh giá được hiện trạng, diễn biến môi trường nước biển, trầm tích biển và đa dạng sinh học biển, các thuận lợi, khó khăn và hạn chế của công tác quản lý nhà nước, từ đó đề xuất các giải pháp quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 là một trong những thông tin, dữ liệu hữu ích hỗ trợ tích cực, kịp thời cho công tác quản lý, bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam trong tình hình mới, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển theo Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 cáo gồm 6 chương với các nội dung chính sau đây:

Chương 1: Tổng quan về biển và hải đảo Việt Nam

Việt Nam là quốc gia biển nằm trong khu vực Đông Nam Á. Phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Tây giáp Lào và Campuchia, phía Tây Nam giáp vịnh Thái Lan, phía Đông và Nam giáp Biển Đông.

Chiều dài đường bờ biển trên 3.260 km, diện tích vùng biển trên 1 triệu km2 với trên 3.000 hải đảo ven bờ và hai quần đảo lớn ngoài khơi là Hoàng Sa thuộc Thành phố Đà Nẵng và quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa; tỷ lệ giữa diện tích lục địa và chiều dài bờ biển được xếp vào loại cao trên thế giới, khoảng 100 km2 đất liền/1km bờ biển (mức trung bình của thế giới là 600 km2 đất liền/1km bờ biển). Dọc ven bờ biển với 114 cửa sông, cửa lạch đổ ra biển; các vũng có diện tích dưới 50 km2, các vịnh ven bờ có diện tích từ 50 km2 trở lên, tổng số 48 vũng, vịnh với tổng diện tích khoảng 4.000 km2.

Nước ta có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển với tổng dân số khoảng 51 triệu người (TCTK, 2019), mật độ dân số cao hơn trung bình cả nước 1,9 lần, trong số đó 34% là dân đô thị. Trong 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển có 125 huyện ven biển và 12 huyện đảo với tổng dân số khoảng 18 triệu người, mật độ dân số trung bình 354 người/km2. Hệ thống đô thị ven biển trải dài dọc bờ biển từ Bắc đến Nam, trong đó tập trung phần lớn ở khu vực vùng biển và ven biển Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ. Kinh tế biển phát triển mạnh ở hầu hết các tỉnh, thành có biển. Trong giai đoạn từ năm 2016 - 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của các địa phương có biển tăng trưởng bình quân 7,5%/năm, cao hơn so với nhịp tăng trưởng chung của cả nước (cả nước tăng 6%/năm) với các hoạt động kinh tế biển như du lịch và dịch vụ biển; hàng hải; khai thác dầu khí và khoáng sản biển; thủy sản; công nghiệp, năng lượng,...

Chương 2: Áp lực của phát triển kinh tế - xã hội đối với môi trường biển và hải đảo

Hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu, đánh giá toàn diện về thải lượng các chất ô nhiễm trực tiếp xả thải ra môi trường biển, phần lớn các nghiên cứu tập trung phân tích, tính toán thải lượng của một ngành nghề hoặc một hoạt động phát thải ra vùng biển. Do hạn chế về nguồn số liệu, Báo cáo phân tích nguồn thải về quy mô tác động, mức độ ảnh hưởng, thành phần chất thải phát sinh. Các nguồn thải chính được đề cập trong báo cáo gồm nguồn thải từ hoạt động dân cư (sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ); nguồn thải từ hoạt động công nghiệp (KCN, CCN; khai thác khoáng sản); nguồn thải từ hàng hải trên biển; nuôi trồng thủy hải sản trên biển; khai thác, thăm dò dầu khí trên biển.

Phần lớn các chất thải từ đất liền tác động gián tiếp đến môi trường nước biển và hải đảo thông qua các cửa sông ven biển, mức độ gia tăng tại các cửa sông chảy qua hoặc gần các thành phố biển. Kết quả thống kê cho thấy, có 74% lượng chất thải rắn của các địa phương có biển được thu gom (năm 2019); lượng nước thải sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 122 - 163 triệu m3/ngày; có đến 70% các khu, điểm du lịch trong cả nước tập trung khu vực ven biển, theo đó là sự phát triển các dịch vụ du lịch biển, hệ quả không chỉ gây áp lực lên hạ tầng đô thị (hệ thống cung cấp điện, nước, hệ thống xử lý chất thải khi nhu cầu sử dụng điện, nước) mà còn tác động đến không gian của các đô thị ven biển, tác động rõ nhất là sự thay đổi cảnh quan ven biển, điển hình như các dự án lấn biển làm khu nghỉ dưỡng.

Đối với các nguồn thải trên biển, nguồn thải từ hoạt động nuôi trồng thủy hải sản và hoạt động từ du lịch biển là nguồn thải có mức độ tác động lớn nhất và là nguyên nhân trực tiếp gây ô nhiễm môi trường cục bộ tại một số vịnh, đầm phá ven biển. Bên cạnh đó, sự gia tăng chất thải nhựa đại dương trong những năm gần đây là vấn đề lớn mang tính toàn cầu và cũng là áp lực lớn trong công tác quản lý chất thải trên biển ở nước ta.

Chương 3: Hiện trạng môi trường biển và hải đảo

Môi trường nước biển ven bờ được đánh giá trên cơ sở kết quả quan trắc môi trường biển thuộc Chương trình quan trắc môi trường quốc gia do Tổng cục Môi trường triển khai thực hiện trên phạm vi biển ven bờ của 15 tỉnh thành phố ven biển; số liệu quan trắc của 03 trạm quan trắc và phân tích môi trường biển thuộc hệ thống các trạm quan trắc quốc gia (trạm Quan trắc và phân tích môi trường biển ven bờ miền Bắc 06 điểm; trạm Quan trắc và phân tích môi trường biển ven bờ miền Trung 08 điểm và trạm Quan trắc và phân tích môi trường biển ven bờ phía Nam 08 điểm). Đối với khu vực biển khơi, được đánh giá trên kết quả quan trắc của 376 điểm quan trắc xa bờ do Trung tâm Trạm Quan trắc và phân tích môi trường biển thuộc Quân chủng Hải quân thực hiện (356 điểm) và Trung tâm Quan trắc môi trường, Viện Nghiên cứu Hải sản thực hiện (20 điểm) thực hiện giai đoạn 2016 - 2019.

Kết quả cho thấy, chất lượng nước biển ven bờ còn khá tốt với hầu hết giá trị các thông số đặc trưng đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 10-MT:2015/BTNMT. Kết quả tính toán chỉ số RQ giai đoạn 2015 - 2019 cho thấy, phần lớn các điểm thực hiện quan trắc có giá trị RQ đạt ở mức tốt (RQ <1). Tuy nhiên, tại một số thời điểm ở một vài vị trí có chỉ số RQ >1,5 nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao song giá trị trên chỉ mang tính thời điểm.

Mức độ ô nhiễm gia tăng vào mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10) do sự gia tăng giá trị các hợp chất hữu cơ, hợp chất chứa nitơ và chất rắn lơ lửng từ đất liền ra biển và sự trôi dạt chất ô nhiễm từ ngoài khơi vào dải ven bờ. Bên cạnh đó, chất lượng môi trường nước biển chịu tác động mạnh của hoạt động phát triển KT - XH khu vực ven bờ, đặc biệt hoạt động phát triển cảng biển; hoạt động nuôi trồng thủy hải sản trên biển, hoạt động phát triển du lịch biển.

Đối với các đảo, cụm đảo, nhìn chung chất lượng môi trường nước biển ven bờ khá tốt, ngay tại các đảo tập trung dân cư đông, phần lớn các thông số quan trắc, phân tích nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 10-MT:2015/BTNMT.

Chất lượng môi trường nước biển xa bờ tương đối ổn định và ít biến động qua các năm, giá trị hàm lượng trung bình của các thông số quan trắc đều đạt tiêu chuẩn cho phép theo QCVN 10-MT:2015/BTNMT.

Với môi trường trầm tích biển, các thông số kim loại khá thấp nằm trong ngưỡng quy định, tuy nhiên đã có dấu hiệu của tích tụ hóa chất thuốc trừ sâu tại các cửa sông nguồn nước sử dụng chính cho sản xuất nông nghiệp (cửa sông Hồng tại Ba Lạt, cửa Định An, sông Cửu Long).

Về ĐDSH, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức độ ĐDSH biển cao với đủ các hệ sinh thái biển nhiệt đới tiêu biểu: vùng triều cửa sông, rừng ngập mặn, rạn san hô, cỏ biển, đầm phá. Có những nhóm sinh vật biển đặc trưng cho vùng biển nhiệt đới vĩ độ thấp, số lượng loài phong phú nhưng số lượng cá thể mỗi loài không lớn như vùng biển ôn đới. Riêng vùng biển phía Bắc, ĐDSH biển có tính chất cận nhiệt.

Chương 4: Tác động ô nhiễm môi trường biển và hải đảo

Trong những năm qua, sự gia tăng các nguồn thải từ lục địa, đặc biệt là theo các dòng chảy sông ra biển dẫn đến môi trường biển nhiều nơi đang có xu hướng suy giảm về chất lượng. Nhiều vùng cửa sông ven biển đã bị ô nhiễm do nước thải công nghiệp, đô thị. Tình trạng xả thải các chất thải chưa qua xử lý hay xử lý chưa đạt quy chuẩn diễn biến ngày càng phức tạp, gây thiệt hại lớn về kinh tế, đời sống, sinh kế của cộng đồng dân cư ven biển và những tổn hại khó lường đối với các hệ sinh thái, sinh vật biển. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng gia tăng, gây nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, tác động xấu đến môi trường biển. Đặc biệt nước biển dâng trong bão kèm theo sóng lớn có thể gây thiệt hại nghiêm trọng do mực nước dâng cao bất ngờ, gây ngập lụt khu vực ven biển. Bên cạnh đó, việc xảy ra một số sự cố môi trường do xả thải chất thải công nghiệp (điển hình là sự cố môi trường nghiêm trọng do công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa) và sự cố tràn dầu, ô nhiễm môi trường biển. Các sự cố môi trường biển thường để lại hậu quả nặng nề làm gia tăng ô nhiễm đối với môi trường, HST biển, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế biển như du lịch, đánh bắt và NTTS, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân. Các tác động trên đã làm chất lượng môi trường nước biển bị suy giảm, tình trạng ô nhiễm chất hữu cơ và dầu mỡ đã và đang diễn ra ở các tỉnh thành ven biển, đặc biệt là vùng cửa sông các tỉnh phía Bắc và dọc dải ven biển đồng bằng sông Cửu Long. Ô nhiễm hữu cơ tuy chỉ có tính cục bộ nhưng khá cao và vượt mức cho phép ở gần các khu du lịch, đông dân trải dài từ Bắc vào Nam, như Cửa Lục, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Nha Trang và Vũng Tàu...

Các hệ sinh thái biển đang bị khai thác quá mức, thiếu tính bền vững dẫn đến tình trạng suy giảm đa dạng sinh học. Đến nay đã ghi nhận khoảng 100 loài sinh vật biển nước ta có nguy cơ đe dọa và quý hiếm đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ IUCN để yêu cầu phải có biện pháp bảo vệ (37 loài cá biển, 6 loài san hô, 5 loài da gai, 4 loài tôm rồng, 1 loài sam, 21 loài ốc, 6 loài hai mảnh vỏ, 3 loài mực). Kết quả nghiên cứu của FAO và một số tổ chức quốc tế khác trong những năm gần đây đều chỉ ra rằng khoảng hơn 80% lượng cá trên các vùng biển ven bờ và ngoài khơi của Việt Nam đã bị khai thác, trong đó có đến 25% lượng cá bị khai thác quá mức hoặc khai thác cạn kiệt; sản lượng đánh bắt giảm đáng kể; nhiều loài sinh vật biển khác đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.

Chương 5: Quản lý môi trường biển, liên quan đến quản lý nhà nước về biển và hải đảo

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ TN&MT là cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương, Sở TN&MT và phòng/Chi cục biển là cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Đối với quản lý biển theo ngành, lĩnh vực được quản lý theo quy định trong pháp luật chuyên ngành của ngành, lĩnh vực. Quản lý nhà nước tổng hợp về biển, hải đảo không thay thế quản lý nhà nước theo ngành/lĩnh vực, mà thông qua các chính sách, cơ chế, công cụ điều phối liên ngành, liên vùng để bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng hiệu quả, duy trì chức năng và cấu trúc của hệ sinh thái nhằm phát triển bền vững, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Trong những năm qua, công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cũng như quản lý chuyên ngành đã có những thành tựu đáng ghi nhận về mặt chính sách, pháp luật; thể chế, tổ chức; nâng cao nhận thức, đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; đầu tư tài chính và nguồn lực. Việt Nam đã và đang tiên phong trong xử lý một số vấn đề môi trường biển nổi cộm, chẳng hạn như các sáng kiến về rác thải nhựa đại dương đã được cộng đồng quốc tế và khu vực ghi nhận.

Chương 6: Các cơ hội, thách thức và giải pháp bảo vệ môi trường biển và hải đảo

Biển và hải đảo Việt Nam có vai trò và vị thế đặc biệt quan trọng trong phát triển KT - XH, bảo vệ chủ quyền, là một trong những ưu tiên hàng đầu trong toàn hệ thống chính trị, được cụ thể hóa trong các nghị quyết của Đảng và Chính phủ. Nghị quyết số 36-NQ/TW năm 2018 của Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định BVMT biển là một nội dung xuyên suốt. Để triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW nhằm cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và giải pháp chủ yếu về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh đó, hệ thống chính sách, pháp luật, bộ máy quản lý nhà nước về biển, đảo từ trung ương đến địa phương, từng bước được hoàn thiện và phát huy hiệu lực, hiệu quả. Hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển và hải đảo ngày càng được quan tâm đầu tư và đẩy mạnh. Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đang được xây dựng. Công tác kiểm soát tài nguyên và bảo vệ môi trường biển được chú trọng. Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường biển được tăng cường.

Tuy nhiên, công tác BVMT biển vẫn còn nhiều khó khăn, trước hết là do nhận thức và trách nhiệm về BVMT biển còn hạn chế. Tư duy phát triển xem trọng các yếu tố kinh tế, tăng trưởng ngắn hạn hơn các yếu tố môi trường; coi trọng lợi ích trước mắt hơn lợi ích và hệ quả lâu dài; cơ cấu tổ chức trong công tác quản lý biển và hải đảo tại các địa phương chưa có sự thống nhất. Mặt khác, các quy định pháp lý đặc biệt là các chế tài về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển và quy định về lấn biển đang trong quá trình xây dựng; đồng thời không có lực lượng thanh tra chuyên ngành về quản lý tổng hợp tài nguyên, BVMT biển và hải đảo dẫn đến công tác giám sát việc thực thi các quy định BVMT biển còn hạn chế.

Các giải pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo được đưa ra bao gồm hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật và thể chế về lĩnh vực biển và hải đảo giai đoạn 2020-2025 theo Nghị Quyết số 36-NQ/TW; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường biển; tăng cường năng lực và hợp tác quốc tế; triển khai Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; xây dựng hệ thống quan trắc môi trường biển; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và cơ chế quản lý, khai thác dữ liệu về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực.

Trên cơ sở phân tích về áp lực, hiện trạng và đáp ứng về công tác quản lý môi trường biển và hải đảo trong giai đoạn 2016 - 2020, Báo cáo đã đề xuất giải pháp, nhiệm vụ nhằm ngăn ngừa, kiểm soát và bảo vệ và quản lý môi trường biển và hải đảo trong giai đoạn tới. 

Xem chi tiết báo cáo tại đây

Theo Văn Muôn- Trang thông tin điện tử Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (12/08/2021)

http://vasi.gov.vn/pages/bao-cao-hien-trang-moi-truong-bien-va-hai-dao-quoc-4043.aspx


  • 8/20/2021 2:40:32 AM