Ký sự "Khảo sát trên biển để đánh giá hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ trong việc giảm thiểu việc đánh bắt các loài không mong muốn"

Anh Bùi Tuấn Anh, nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, hiện đang là học viên cao học tại Bỉ đã tham gia thực hiện chuyến khảo sát trên biển nhằm đánh giá hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ trong việc giảm thiểu việc đánh bắt các loài không mong muốn và có những chia sẻ thú vị về chuyến khảo sát này.


Belgica Campaign 02/2020

Đầu tháng 2 năm 2020, theo lịch âm là vừa ra tết, mình có một chuyến đi biển cùng đoàn nghiên cứu của ILVO (Viện nghiên cứu nông nghiệp, thủy sản và lương thực vùng Flander, Bỉ). Đây là chuyến đi biển nghiên cứu đầu tiên của mình nên từ khi biết tin từ năm trước, mình đã rất háo hức. Mục đích của chuyến đi là thực hiện khảo sát hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ trong việc giảm thiểu việc đánh bắt các loài không mong muốn (thuật ngữ tiếng anh gọi là bycatch) trong ngành đánh bắt cá dẹt. Ngành đánh bắt cá dẹt là ngành đánh bắt chính của Bỉ với truyền thống lâu đời. Tuy số lượng tàu không lớn, chỉ khoảng 60 tàu, đặc biệt là so với nước láng giềng như Hà Lan, khoảng 600 tàu, tác động của bycatch và một thuật ngữ nữa mình không rõ tiếng Việt gọi là gì: discard (việc thải các loài bycatch trở lại biển) tới nguồn lợi hải sản là đáng kể. Chuyến đi là một phần trong nỗ lực nghiên cứu của ILVO nhằm hướng đến việc quản lý đánh bắt bền vững.

Tàu Belgica là một tàu của quân đội nên để xuất phát, mình phải đến một căn cứ quân sự nằm trong khu vực cảng Zeebrugge. Khi mình và 2 anh trong đội khoa học đến nơi thì các anh các chú trong đội điều tra đã đến và chuẩn bị các công đoạn hậu cần trước. Tầng trên cùng là cabin lái, xuống dưới một tầng là khu vực phòng ngủ và phòng ăn của đoàn cùng với chỉ huy tàu, xuống tiếp là khu vực bếp và các phòng lab phục vụ công tác nghiên cứu ngay trên tàu. Đi ra phần thân sau tàu là khu vực kéo lưới và nhà phân loại cá. Ngoài ra thì có một hệ thống bể được lắp đặt để thực hiện thí nghiệm.

Tàu bắt đầu chạy từ tầm trưa, hướng về phía nước Anh. Từ lúc tàu rời cảng ra vùng nước bên ngoài là mình đã bắt đầu thấy nôn nao. Trước đó mình được một anh trong đoàn cho một vỉ thuốc chống say để đề phòng, và có dặn là thuốc có tác dụng phụ là sẽ bị mệt sau khi uống, thậm chí rất mệt. Do cũng sợ say sóng nên mình uống ngay trước khi ăn trưa, và không biết là do say sóng hay là do tác dụng gây mệt của thuốc mà lúc ăn người mình cứ đơ đơ. Lúc ấy cảm giác cầm cái gì cũng khó và chỉ muốn lăn ra nằm, thế là thôi đành bỏ bữa trưa để đi ngủ. Vừa đặt lưng là mình ngủ một mạch, chẳng biết trời đất gì đến khi được gọi dậy để chuẩn bị kéo mẻ lưới đầu tiên. Mẻ lưới đầu tiên được cất vào khoảng 8 giờ tối, lúc này tàu đã đến vùng cửa sông Thames, London.

Loại lưới được dùng là beam trawl, hình như thuật ngữ tiếng Việt là giã cào. Hệ thống lưới bao gồm 1 khung cứng để có thể cố định lưới và kéo trên nền biển, giống như một cái xẻng, sẽ xúc tất cả những gì trên đường vào trong lưới ở sau. Phần khung được gắn với 2 lưới, một lưới thông thường và một lưới áp dụng công nghệ mới để so sánh thành phần đánh bắt của 2 loại. Cấu trúc lưới bao gồm phần đầu có các ô lưới lớn để các loài không phải là mục tiêu đánh bắt có thể thoát ra, phần đuôi lưới thì ô lưới nhỏ hơn. Bên ngoài lưới có các dải sợi nhựa dày bao bọc, được biết các dải này có tác dụng bảo vệ lưới khỏi bị rách khi bị kéo lê. Tuy nhiên các dải nhựa này được coi là một trong những nguồn rác thải nhựa chính, gây ra vấn đề vi nhựa trên biển mà cả thế giới đều quan tâm. Nhiều nỗ lực nhằm tìm vật liệu bảo vệ thay thế cho các dải nhựa này đã được thực hiện nhưng chưa thành công do chưa có loại vật liệu nào có thể rẻ được như nhựa.

Cá sau khi được kéo lên sẽ được đổ vào các rổ lớn, rồi sau đó cân và phân loại theo từng loài. Những loài cá là mục tiêu đánh bắt như sole (cá bơn), plaice (cá bơn sao), turbot (cá bơn Đại Tây Dương), whitting (cá tuyết) sẽ được đo để thu thập số liệu cũng như xác định xem có thể giữ lại để ăn (nếu cá dài hơn chiều dài nhất định theo quy định), hay sẽ loại bỏ, trả lại với môi trường (discard). Ngoài những loài trên thì mỗi mẻ lưới đều còn có các loài như cua gai (spiny crab) và cá nhám mèo (catshark), các loài này cũng được cân và sau đó thả đi. Riêng nếu có con cua nào to thì sẽ bị vặt càng để dành sau ăn. Ngoài ra thì các loài khác nhỏ khác (thường số lượng dưới 10 cá thể) cũng được ghi chép lại. Mình được giao nhiệm vụ phụ trách phần ghi chép này. Mặc dù danh sách các loài bằng tiếng Hà Lan nhưng cũng chỉ bắt gặp quanh quẩn vài loài nên sau một thời gian thì mình trở nên quen và có thể nhanh chóng nhận mặt loài và mặt chữ.

Ở vùng cửa sông Thames thì chủ yếu bắt được sole và whitting, plaice ít hơn một chút và thi thoảng lắm mới có turbot. Khi đi sang khu vực kênh đào Anh (English channel) thì có sự thay đổi rõ rệt về thành phần loài, plaice trở thành loài bắt được chủ yếu trong khi sole mỗi mẻ chỉ có khoảng chục con. Ngoài ra thì ở kênh đào Anh cũng bắt được nhiều turbot hơn, có những con rất to, và đặc biệt là bắt được tương đối nhiều monk fish (cá chầy), vài con mỗi mẻ. Thấy mọi người trong đoàn bảo turbot và monk fish là 2 trong số những loài ngon và đắt nhất. Mình cũng tranh thủ chụp được một tấm với chú monk fish to nhất bắt được trong chuyến đi lần này.