Việt Nam trong bối cảnh của một quốc gia đang phát triển, đặc biệt trong tình hình hội nhập và phát triển kinh tế toàn cầu như hiện nay, một trong những mục tiêu của Chính phủ Việt Nam rất chú trọng và ưu tiên đó là đẩy mạnh phát triển kinh tế biển song song với việc tăng cường công tác quản lý tổng hợp, bảo vệ môi trường biển, hải đảo quốc gia. Kể từ khi Việt Nam và 11 quốc gia khác ký tuyên bố cam kết thực hiện chiến lược phát triển bền vững các biển Đông Á (SDS - SEA), sau đó vào cuối năm 2009 tại Philipin các nước thành viên của PEMSEA cũng đã ký Tuyên bố Manila đẩy mạnh thực hiện quản lý tổng hợp vùng bờ cho phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực biển Đông Á. Trong đó, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng rất lớn về biển, chính vì vậy việc chú trọng đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, quản lý tổng hợp thống nhất về biển và hải đảo đóng vai trò rất quan trọng đối với tình hình phát triển kinh tế-xã hội nói chung của đất nước trong giai đoạn hiện nay và nhiều năm tiếp theo.
Sau tuyên bố Manila được ký kết, PEMSEA cũng đã triển khai rất nhiều các hoạt động thiết thực thông qua các dự án hợp tác với Việt Nam nhằm thực thi các hoạt động quản lý môi trường biển, ứng phó biến đổi khí hậu. Chính phủ Việt Nam trên cơ sở cân nhắc áp dụng các cơ chế chính sách mới về quản lý tổng hợp vùng bờ cùng với những hỗ trợ thiết thực của phía PEMSEA, cụ thể là hỗ trợ Dự án “Tăng cường thực hiện Chiến lược phát triển bền vững biển Đông Á ” (SDS-SEA) thuộc Chương trình khu vực “Giảm thiểu ô nhiễm và tái tạo nguồn tài nguyên biển bị xuống cấp tại khu vực biển Đông Á thông qua việc thực hiện các thỏa thuận liên chính phủ và đầu tư đòn bẩy”. Dự án do PEMSEA điều phối, Bộ tài nguyên và Môi trường chủ trì, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam là đầu mối thực hiện.
Tại buổi tiếp và làm việc với các chuyên gia cấp cao của PEMSEA, các bên đã cùng trao đổi nhằm đánh giá tình hình triển khai các nội dung thuộc chương trình hợp tác SDS-SEA tại Việt Nam do GEF/UNDP tài trợ thông qua PEMSEA trong thời gian vừa qua. Phát biểu tại buổi làm việc, Ông Tạ Đình Thi cho biết sẽ trực tiếp chỉ đạo thực hiện đối với dự án SDS-SEA và tăng cường cơ chế phối hợp chặt chẽ với PEMSEA cũng như với các địa phương ven biển trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các bên cùng thảo luận về ký hợp đồng Dự án SDS-SEA (VASI và 6 địa phương), thông qua đó nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc cũng như các hoạt động cần thiết để hoàn thiện việc phê duyệt dự án, ký hợp đồng và bắt đầu các hoạt động của dự án. Ngoài ra, Theo Ông Tạ Đình Thi và Bà Gonzales - Giám đốc điều hành của PEMSEA, giữa các bên cần có các hoạt động cần thiết để đảm bảo hoàn thành Báo cáo hiện trạng vùng bờ quốc gia Việt Nam và xác nhận các thông tin, dữ liệu trước khi công bố báo cáo cho Đại hội biển Đông Á (EAS) và Diễn đàn các Bộ trưởng vào tháng 11/2018. Về Phía VASI, ông Tạ Đình Thi cũng đưa ra một số đề xuất về các cơ hội của Việt Nam tại Đại hội biển Đông Á sắp tới, trong đó Việt Nam có thể giới thiệu sáng kiến, các phương pháp hay và thành tựu đạt được về phát triển và quản lý vùng bờ biển và đại dương (triển lãm quốc gia, thuyết trình, tham gia/đồng tổ chức các buổi họp hoặc sự kiện; các phiên họp của Đại hội, hỗ trợ đoàn thanh niên Việt Nam tham dự Diễn đàn thanh niên, chuẩn bị cho Bộ trưởng tham dự Diễn đàn Bộ trưởng).
Phát biểu tại buổi làm việc, phía VASI và PEMSEA đều mong rằng thời gian tới sẽ tăng cường phối hợp mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong các hoạt động hợp tác giữa các bên, đặc biệt là trong quá trình triển khai dự án tại Việt Nam cũng như triển khai dự án của PEMSEA tại các nước Đông Á. Ông Tạ Đình Thi cũng mong rằng PEMSEA sẽ có những điều phối để giữa các nước có cơ hội cùng nhau trao đổi, học tập, giao lưu cùng phát triển trong bối cảnh hội nhập phát triển như hiện nay và trong các giai đoạn tiếp theo.
Theo http://www.vasi.gov.vn/